1. Khái niệm
Kali (K) là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Là chất dinh dưỡng đa lượng vì thực vật cần hấp thụ một lượng lớn K trong suốt vòng đời của chúng.
2. Các dạng Kali mà cây hấp thụ
Kali trong đất thường ở dạng K+. Nó có 3 dạng: kali bị giữ chặt trên keo đất, kali có thể trao đổi và kali tan trong dung dịch đất. Dạng kali tan trong dung dịch đất và dạng có thế trao đổi được là các dạng kali cây có khả năng sử dụng. Hàm lượng kali trong đất khá cao nhưng phần lớn ở dạng không trao đổi và không sử dụng được.
Trong cây, kali chỉ tồn tại dưới dạng ion K+ tự do rất linh động. Mà hầu như không tham gia vào hợp chất hữu cơ ổn định nào. Trong cây, K phân bổ nhiều ở các bộ phận còn non đang sinh trưởng mạnh. Kali là một “nguyên tố dùng lại” điển hình. Vì trước khi lá già chết, K kịp di chuyển về các cơ quan non để sử dụng lại.
3. Vai Trò Của Kali Đối Với Cây Trồng
Mặc dù chưa phát hiện ra K ở trong các hợp chất hữu cơ, nhưng vai trò sinh lí của K đối với cây cực kì quan trọng. Đó là vai trò điều chỉnh các hoạt động trao đổi chất và các hoạt động sinh lí của cây.
- K có tác dụng điều chỉnh các đặc tính lý hóa của keo nguyên sinh chất. Ví dụ: Kali làm giảm độ nhớt của chất nguyên sinh, tăng mức độ thủy hóa của keo nguyên sinh… Tức là làm tăng các hoạt động sống diễn ra trong tế bào.
- K điều chỉnh sự đóng mở của khí khổng.
- K điều chỉnh dòng vận chuyển các chất hữu cơ trong mạch libe. Vì vậy, bón phân kali sẽ làm hạt chắc, khối lượng hạt tăng, củ mẩy, tăng hàm lượng tinh bột và đường trong sản phẩm, tăng năng suất kinh tế và phẩm chất nông sản.
- K hoạt hóa rất nhiều enzim tham gia vào các biến đổi chất trong cây. Đặc biệt là quá trình quang hợp và hô hấp.
- K làm tăng tính chống chịu của cây đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Ví dụ: tính chống bệnh, tính chịu hạn, nóng…
4. Biểu hiện cây thiếu Kali
Thiếu K cây có những biểu hiện về hình thái rất rõ là lá ngắn, hẹp, xuất hiện các chấm đỏ, lá bị khô rồi héo rũ vì mất sức trương.
Ví dụ:
- Lúa thiếu K thì sinh trường kém, trổ sớm, chín sớm, hạt lép, lững, cây dễ đổ vì mô cơ giới kém hình thành, dễ bị bệnh đạo ôn và tiêm lửa.
- Ngô, thiếu K cây sinh trưởng kém, đốt ngắn, mép lá nhạt dần sau chuyển sang màu huyết dụ, lá có gợn sóng, giảm năng suất…
Thiếu kali sẽ làm giảm khả năng chống chịu của các cây trồng và giảm năng suất kinh tế rõ rệt.
Kali cần cho tất cả thực vật, nhưng với các cây trồng mà sản phẩm thu hoạch chứa nhiều gluxit như lúa, ngô, mía, khoai lang, khoai tây… Thì bón K là cần thiết để đạt năng suất và chất lượng cao. Bón phân kali vào giai đoạn cây trồng hình thành củ, quả, hạt sẽ làm gia tăng quá trình vận chuyển các chất hữu cơ tích lũy về cơ quan dự trữ. Bón phân kali sẽ phát huy hiệu quả của phân đạm và lân. Vì vậy, việc bón tỉ lệ cân đối giữa N : P : K là kĩ thuật bón phân hiệu quả nhất đối với các cây trồng.
Xem thêm các bài viết kỹ thuật cây trồng tại đây
BIO AGROSA FERTILIZERS – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI
Hãy theo dõi Bio Agrosa Fertilizers để cập nhật nhanh những thông tin hữu ích về nông nghiệp.