1. Khái niệm
Photpho (P) là một trong những nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu đối với cây trồng, đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh lý và sinh trưởng của cây.
Trong cây, photpho tồn tại chủ yếu dưới dạng các ion phốt phát (PO₄³⁻). Là thành phần cơ bản của nhiều hợp chất sinh học quan trọng như ADN, ARN và ATP (adenosine triphosphate) – nguồn năng lượng chính cho các quá trình sinh hóa trong tế bào.
Trong cây, P tập trung nhiều ở các cơ quan còn non đang sinh trưởng mạnh. Một bộ phận đáng kể tập trung trong cơ quan sinh sản và dự trữ trong hạt dưới dạng hợp chất phitin [C6H6(OH2PO3)6].
2. Vai trò của Photpho đối với cây trồng
Khi vào cây, P nhanh chóng tham gia vào rất nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng quyết định quá trình trao đổi chất và năng lượng, quyết định các hoạt động sinh lí và sinh trưởng, phát triển của cây.
- P tham gia vào thành phần của axit nucleic. ADN và ARN có vai trò quan trọng trong quá trình di truyền của cây, quá trình phân chia tế bào và sinh trưởng của cây. Do vậy, giai đoạn còn non hoặc giai đoạn hoạt động sống mạnh thì hàm lượng P trong cây thường cao hơn.
- P tham gia vào thành phần của photpholipit. Đây là hợp chất rất quan trọng cấu tạo nên hệ thông màng sinh học trong tế bào như màng sinh chất, màng không bào, màng bao bọc các cơ quan, màng trong của lục lạp và ti thể, màng lưới nội chất…
- P có mặt trong hệ thống ADP, ATP, là các chất dự trữ và trao đổi năng lượng sinh học trong cây.
- P tham gia vào nhóm hoạt động của các enzim oxi hóa khử là NAD, NADP, FAD, FMN. Đây là các enzim cực kì quan trong trong các phản ứng oxi hóa khử trong cây. Đặc biệt là quá trình quang hợp và hô hấp, quá trình đồng hóa nitơ…
- P có mặt trong một nhóm các chất rất phổ biến trong quá trình trao đổi chất là các este photphoric của các sản phẩm trung gian như các hexozdphotphat, triozdphotphat, pentozơphotphat…

3. Cây trồng khi bón đủ Photpho
Khi bón đủ Photpho, cây sẽ sinh trưởng tốt. Hệ thống rễ phát triển, đẻ nhánh khỏe, xúc tiến hình hành cơ quan sinh sản. Cây tiến hành trao đổi chất và năng lượng mạnh mẽ. Xúc tiến các hoạt động sinh lí, đặc biệt là quang hợp và hô hấp. Kết quả là làm tăng năng suất cây trồng.
P cần cho tất cả các loại cây trồng. Tuy nhiên, P có hiệu quả nhất đối với các cây họ Đậu. P rất cần cho sự sinh trưởng, phát triển của cây họ đậu. Và cũng rất cần cho hoạt động cố định đạm của các vi sinh vật. Người ta nói “biến Lân thành Đạm” có nghĩa là sử dụng phân lân bón cho cây họ đậu. Để tăng cường cố định đạm của vi sinh vật trong nốt sần cây đậu.
4. Biểu hiện cây thiếu Photpho
Khi cây thiếu P, ban đầu lá có màu xanh đậm có lẽ do tăng cường hút Mg. Sau dần dần chuyển sang màu vàng. Hiện tượng trên bắt đầu từ mép lá và từ lá phía dưới trước.
Với lúa, khi thiếu P thì lá nhỏ, hẹp, có màu lục đậm, đẻ nhánh ít. Cây trỗ bông chậm, chín kéo dài, có nhiều hạt xanh và lửng…
Với ngô, khi thiếu P khiến cây sinh trưởng rất chậm. Lá trên có màu lục nhạt, lá dưới màu lục đậm rồi dần chuyên sang màu vàng hay huyết dụ.

Xem thêm các bài viết kỹ thuật cây trồng tại đây
BIO AGROSA FERTILIZERS – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI
Hãy theo dõi Bio Agrosa Fertilizers để cập nhật nhanh những thông tin hữu ích về nông nghiệp.